Share this article on

Phần 1: Về Thích Chân Quang và con đường tu tập Phật giáo

Disclaimer: Tôi là một người trẻ thích tìm hiểu triết học, tôn giáo và có sự đam mê lớn với Triết học Phật giáo. Bài viết này tôi viết dưới góc nhìn khách quan của một người trung dung, mang nhiều quan điểm cá nhân và không theo bất cứ phe phái nào. Hy vọng người đọc cũng có thể đọc với tâm thế khảo nghiệm, lịch sự và cởi mở.

___

Series này chia làm 2 phần

PHẦN I: THÍCH CHÂN QUANG – MỘT LINH HỒN KHÔNG BAO GIỜ DỪNG BƯỚC

PHẦN II: TU THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ ĐÚNG? LÀM SAO TÌM ĐƯỢC NIẾT BÀN? (Coming soon)

 

“RỘN RÀNG” PHẬT ĐẠO 2024

Có thể nói năm 2024 là một năm “bận rộn” của nền Phật Giáo Việt Nam với nhiều sự kiện lạ lùng, thu hút sự chú ý số đông trên MXH. Tại cùng một thời điểm, cộng đồng mạng dậy sóng vì hai vị tu sĩ Phật giáo, tạo nên hai luồng tư tưởng trái chiều ở hai thái cực đối lập gắt gao – một hiện tượng chưa từng có trước đây.

Gần giữa năm 2024, sự xuất hiện của sư Minh Tuệ  – bậc chân tu theo pháp hạnh đầu đà của Phật giáo Theravāda nguyên thuỷ với khả năng giữ giới vô cùng kỷ luật – vô tình trở thành một thể nghiệm quá khác biệt và đối trọng với liên minh Giáo hội Phật giáo đang có sẵn rất nhiều scandal trong nhiều năm qua. Từ vụ chùa Ba Vàng đến nhiều vụ bê bối của các thầy chùa như phát ngôn bừa bãi, nhận tiền cúng dường nhưng không tu đúng pháp hạnh, tà dâm,… Mọi thứ chỉ chờ đến năm 2024 để trổ quả, mà quả này thì hơi đắng, hơi ê chề.

Nếu như cái tên Thích Minh Tuệ không xuất hiện thì có lẽ đại bộ phận người Việt mang tín ngưỡng Phật giáo sẽ tiếp tục thờ ơ và bất lực trước các bê bối âm ĩ của những người hành nghề thầy tu, vì ta không thể tìm được ví dụ thích đáng của một ‘bậc chân tu thuần khiết’ là như thế nào để đối trọng lại.

Cái đúng chưa ló dạng thì cái sai coi như nhắm mắt cho qua.

Khi nhân duyên hội tụ đầy đủ, cán cân so sánh và trừng phạt xuất hiện.

Không ai khác, người bị đặt lên bàn cân là vị Thượng toạ Thích Chân Quang – người có tiếng tăm và vị trí nhất định trong nền Phật giáo Việt Nam – với những phát ngôn khó hiểu đầy chủ quan, vị này đang bị cư dân mạng công kích dữ dội.

Đi tìm hiểu về Thích Chân Quang, tôi cảm thấy đây là một nhân vật thú vị, đủ hay ho để khiến tôi ngồi gõ ra văn bản này.

 

PHẦN I: THÍCH CHÂN QUANG – MỘT LINH HỒN KHÔNG BAO GIỜ DỪNG BƯỚC

Đầu tiên, hãy tạm quên đi pháp danh Thích Chân Quang và chức danh Thượng toạ để nhìn sâu vào tính cách và con người vị này dưới tư cách một công dân bình thường – ông Vương Tấn Việt.

Tính theo tuổi dương, ông Vương Tấn Việt (sinh năm 1959) năm nay 65 tuổi. Ông xuất gia theo Phật từ năm 21 tuổi, nghĩa là ông Việt đã có 41 năm sống trong môi trường Phật giáo và tu hành.

Năm 1984, ông Việt Thọ giới Tỳ kheo. Năm 2007, ông chính thức được phong tấn làm Thượng toạ Thích Chân Quang.

Nếu so sánh với những người cha, người ông trong gia đình của chúng ta ở độ tuổi xế chiều, ta thấy ông Việt có năng lượng linh hồn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi vật lý U70 – độ tuổi mà đa số người lão niên sẽ sống chậm lại, thụ động hơn, không thiết tha danh vọng hay vật chất, thì ông Việt lại vẫn còn rất khao khát vẫy vùng, còn nhiều vướng bận với trần thế, với các mối quan hệ, kế hoạch, vật chất, danh tiếng, quyền lực.

 

1. Thích Chân Quang là người như thế nào?

Tính cách đầu tiên và rõ ràng nhất có thể thấy ở ông Việt là sự năng động, cầu tiến, siêng năng phát triển bản thân và sự nghiệp.

Xét theo năng suất làm việc của một người bình thường, ông Việt năng động vượt trội trong mọi công tác: từ chạy show thuyết pháp, quay hình, viết sách, tổ chức hàng chục hoạt động mỗi năm, mở chương trình văn nghệ, sáng tác nhạc, nhân rộng đạo tràng, mở công ty, thậm chí sáng lập ra một môn phái võ thuật của riêng mình…

Tính tới nay, ông có 2000 bài thuyết giảng, ông viết và xuất bản hơn 130 đầu sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, sáng tác hơn 150 bài hát Phật giáo, thành lập môn phái Phật Quang Quyền – trực thuộc Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam . Ông còn là cử nhân ngành tiếng Anh, cử nhân Luật, Tiến sĩ ngành Luật do ĐH Hà Nội công nhận.

Đáng nói hơn, ông Việt có khả năng điều hành quản trị của một doanh nhân chuyên nghiệp, ông biết cập nhật xu hướng, ứng dụng công nghệ nhanh chóng, không bao giờ để mình bị bỏ lại ở phía sau.

Nhìn vào tổ chức Thiền Tôn Phật Quang sẽ thấy nơi này đang được vận hành như một cơ cấu bài bản, hiện đại:

  • Ông Việt điều hành hệ sinh thái 40 đạo tràng trải dài từ Bắc chí Nam cùng các chi nhánh ở nước ngoài bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, và 33 cộng đồng ‘Chúng thanh niên Phật tử chùa Phật Quang’ (CTNPTCPQ) lên đến hàng chục nghìn người
  • ‘Trải nghiệm khách hàng’ (CX) ở chùa rất tốt: từ cách bày trí món ăn, chỗ nghỉ ngơi, lối lên chùa Phật Quang được trang bị cáp treo chào đón quý Phật tử, có cả đội ngũ chạy xe gắn máy chở khách vào chùa.
  • Thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ lễ Phật với quy mô lớn.
  • Chùa chuyên mở kinh Phật bằng tiếng Anh (🤔)
  • “Ban truyền thông” chùa Phật Quang là một phòng ban chuyên nghiệp, liên tục sáng tạo nội dung MXH, viết content, làm các video TikTok, Youtube; thuê nhiều KOL làm clip review “quảng bá du lịch” chùa Phật Quang. (Các status của Angela Phương Trinh đăng đều là do phòng ban này biên soạn).
  • Sở hữu kênh Youtube với hơn 514.000 lượt subscribers, nhiều kênh TikTok cá nhân do đệ tử Chúng thanh niên quản lý.
  • Có hẳn ứng dụng riêng: App Pháp Quang trên iOS Android nhằm truyền bá lại các bài giảng audio, video, sách ebook và ghi danh followers (đệ tử) chùa Phật Quang.
  • Ông Việt sở hữu 80% cổ đông công ty TNHH Pháp Quang với vốn điều lệ 2,4 tỷ đồng.
  • E-commerce Website công ty Pháp Quang bày bán toàn bộ sách của ông Việt, tranh ảnh Phật, thực phẩm chức năng (thuốc “địa long”, trà giảm cân,…).
  • Sử dụng phương thức “cúng dường online” chuyên nghiệp với QR code một chạm dẫn đến hơn 10 ngân hàng của chủ tài khoản Vương Tấn Việt.

 

Sẽ không có gì đáng bàn nếu ông Việt là một người bình thường. Nhưng chuyện trở nên bất thường khi ông làm những việc này dưới danh nghĩa của một thầy tu. Sự năng động và tham vọng của ông vượt xa ranh giới của một tu sĩ nên có – những người mà một khi đã xuống tóc thọ giới sa di/ tỳ kheo thì phải gần như đoạn diệt mọi hoạt động trần cấu như mua vui, kinh doanh, bán buôn, văn nghệ, sở hữu vật chất… để khử trừ tham dục, để diệt được cái ngã mạn trong mình thông qua sự tĩnh lặng, thiền định, tinh tấn.

 

Chưa cần xét đến 250 giới Tỳ kheo, chỉ cần xét trong 10 điều trong giới Sa di, ông đã phạm giới hết 5 điều :

  1. Không nói dối (nói những lời bịa đặt, chưa được kiểm chứng)
  2. Không trang điểm phấn son, dầu hoa, áo quần hàng lụa tươi tốt, vàng bạc trang sức.
  3. Không ca hát, nhảy múa, yến tiệc
  4. Không ngồi hay nằm trên đồ đạc sang trọng
  5. Không giữ tiền, vàng bạc, bảo vật.

 

Vượt ra khỏi giới luật, ông Việt có niềm đam mê theo đuổi các giải thưởng lớn và các hoạt động truyền thông :

  • Được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục ‘Tu sĩ Phật giáo sáng tác nhạc Phật giáo nhiều nhất’ với 150 bản nhạc. (Tôi không wow với giải thưởng, tôi chỉ ‘uh huh? 🤔’ khi một người tu hành đi apply giải thưởng này)
  • Là Tu sĩ Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam nhận giải thưởng ‘Nhân tài Đất Việt’ (2019).
  • Nhận nhiều bằng khen do các hiệp hội tư nhân lẫn nhà nước trao tặng.
  • Tham gia nhiều hoạt động của Đảng và Nhà nước.
  • Xuất hiện nhiều lần trên sóng truyền hình VTV, phỏng vấn với báo chí, ghi hình nhiều phóng sự và chương trình lớn.
  • Có mặt trên hàng trăm bài báo mạng trong suốt thời gian tu hành.

 

Động cơ phía sau sự ‘siêng năng việc trần gian’ của ông Việt chắc chắn xuất phát từ mục đích tốt: khao khát cống hiến, khao khát mang lại giá trị, “tích phước”,  mong muốn cải thiện đạo đức dân chúng, muốn nhân rộng Phật pháp… vì không có một người ích kỷ nào có thể diễn tròn vai ‘phụng sự từ bi’ trong suốt hơn 40 năm.

Nhưng nhìn những tấm bằng khen, những chộn rộn ở cõi Dục giới thì cũng có thể đoán được con đường hành thiền vào cõi Duy Thức của một người là tới đâu.

Không ai có thể bước hai hàng trên hai con đường rẽ nhánh mà tới được đích. Trong trường hợp của ông Việt, một khi đã vướng sâu vào kinh doanh tôn giáo, chính trị, lậu hoặc và nhân duyên ở đời thì rất khó kiểm soát được cái ngã lớn, bất tịnh, khó dứt tham sân si (không khởi tham thì khó trèo cao). 

Khi đó, mọi động cơ thuần khiết trong gang tấc sẽ dễ dàng nhuốm màu tư lợi cá nhân: mong muốn bành trướng tổ chức để tăng doanh thu, tăng nguồn nhân lực chu cấp phụng hiến cho chùa, duy trì danh tiếng, sự yêu mến, sự sùng bái của người đời, tăng cường vị thế là người có tầm ảnh hưởng, là thánh nhân của xã hội.

Và cánh cửa đi vào siêu thiền định, vào Duy Thức sẽ càng hẹp lại, mất hút khỏi tầm nhìn.

 

“No man chooses evil because it is evil; he only mistakes it for happiness, the good he seeks.”

Mary Wollstonecraft

 

 

2. Chạm tới đỉnh cao và sự lạc đường trong giáo pháp

 

Cả cuộc đời ông Việt đã chạm được đến nhiều mốc thành tựu. Ông biết cách làm rạng danh tên tuổi, ra sức duy trì sự nổi tiếng của mình và rồi tự trượt dài trên cái hào quang rực rỡ đó.

 

Cái tài của Thích Chân Quang

Với tính cách hướng ngoại, ăn nói khéo léo, ông Việt không chọn đi theo con đường học thuật tĩnh lặng để trở thành một dịch giả uyên bác (vốn chỉ phục vụ cho nhóm đối tượng đọc giả tri thức cao) như Hoà thượng Thích Minh Châu – người dịch Đại Kinh Tạng Nikaya sang tiếng Việt; hay Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ – một Trí thức lớn, người dịch và chú Việt ngữ cho kinh Luận Thành Duy Thức chính gốc từ Hán ngữ của Đại Pháp sư Huyền Trang – Đường Tam Tạng.

Ông Việt cũng không đủ pháp công để khai sáng môn phái tu tập giúp đi sâu vào con đường tu đắc quả như ông Tổ Minh Đăng Quang – người khai sơn hệ phái Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam với chí nguyện ‘nối truyền Thích Ca chính pháp’ – tông phái tương tự như Hạnh đầu đà Minh Tuệ ngày nay.

Sau khi rời bỏ hai sư phụ là Hoà thượng Thích Thanh Từ và Thích Thông Lạc, năm 1992, ông Việt lên núi Dinh tự “startup” nên chùa Phật Quang với những bước đi rất riêng, đổi mới, cùng nhịp với sự phát triển của thời cuộc.

Bằng khả năng hoạch định tài tình, ông đã đưa chùa Phật Quang từ một thung lũng hoang sơ trở thành một thắng cảnh thu hút hàng trăm ngàn lượt viếng thăm mỗi năm. Và không thể không kể đến, điểm mấu chốt giúp danh tiếng ông vang xa đó chính là tài ăn nói, truyền cảm hứng, diễn thuyết thuyết phục người nghe.

 

Trong những năm 2005-2009, cái tên Thích Chân Quang lan rộng khắp đất nước nhờ dẫn đầu phong trào sản xuất/ kinh doanh đĩa CD thuyết pháp. Các Phật tử nhân rộng băng đĩa của ông Việt để tặng người thân như một hình thức “tích phước”; tài xế mở băng trên các chuyến xe đường dài; thanh thiếu niên Phật tử được cha mẹ cho nghe đĩa để sống hướng thiện hơn… Chính bạn có thể cũng đã nghe qua lời ông giảng ở đâu đó thời còn trẻ.

Lúc này, ông Việt đã trở thành một hiện tượng, được mọi người tin kính, săn đón, trọng vọng (nhiều nhất ở khu vực phía Nam).

Đối tượng khán thính giả chính của TCQ là các cô chú, các dì, các mẹ ở độ tuổi trung niên; và chiếm một phần không hề nhỏ trong đó là lớp thanh thiếu niên trẻ tuổi. Mẫu số chung của những người này là đều có xu hướng tin yêu Phật theo lối sùng bái, tư duy cảm tính cao, tư duy phản biện thấp.

 

Giải mã kỹ thuật ăn nói, ông Việt được trời phú cho thanh tướng (giọng nói) phù hợp với việc thuyết pháp.

Quan sát cách trình bày sẽ thấy ông Việt rất thông minh và có trí nhớ cực tốt – ông không bao giờ nhìn vào văn bản soạn sẵn, hiếm khi nói vấp hay “à..ừm” dù bài thuyết giảng đó kéo dài đến tận 1-2 tiếng; ông nói tự nhiên mạch lạc, cách sử dụng từ ngữ cô đọng súc tích, các luận điểm nối tiếp nhau không một kẻ hở; ông biết kiểm soát tốc độ nói, ánh mắt, thanh âm và ngôn ngữ cơ thể; đặc biệt là nội dung bài giảng của ông ít khi bị trùng lặp lại dù đã nói trên 2000 bài. Quan trọng nhất, ông Việt nắm rõ tâm lý con người và biết cách nói như thế nào để chiều lòng người nghe.

Công thức chính mà ông sử dụng khi thuyết pháp là chuyển thể những giáo lý cao siêu phức tạp thành những câu chuyện bình dân; ông làm lời giảng trở nên lôi cuốn bằng cách cài cắm những câu chuyện nặng về nghiệp quả, cõi âm, ‘concept cổ tích’, vay trả, để tác động vào nỗi sợ và sự chú ý của con người.

Công thức nêu luận điểm của ông Việt: 

  • Đưa ra khẳng định 
  • Giải thích về khẳng định
  • Đưa ví dụ (thường là tự chế) về các câu chuyện của ông A, bà B, chị C gặp phước báu, lãnh nghiệp, tâm linh báo ứng
  • Dẫn sang luận điểm tiếp theo, và lặp lại như vậy

 

Dẫn chứng một số phát ngôn gây tranh cãi: 

“Kiếp này cúng chùa 50 triệu âm thầm, ở trên chư Phật tính 500 triệu, kiếp sau sẽ hưởng 500 tỷ” 

“Lúc trẻ mê du lịch, lúc già sẽ bị liệt nằm một chỗ”

Từ những phát ngôn trên, tôi có thể hài hước suy ra “công thức tính nhân quả” của ông Việt:

Quả tốt: a*b = a(x*10000)

Quả xấu: a*b = a/(x*1000)

(Trong đó a là chủ thể, b là hành động, x là hệ quả)

 

Đây là một ví dụ cho thấy ông Việt nói về nhân quả rất rất tuyến tính, chủ quan, bịa đặt vì không có kinh Phật nào truyền bá những điều hoang tưởng này.

Trong nhiều video, lời giảng của ông còn mang tính chất răn đe, doạ dẫm, bắt ép con người phải cống hiến, hy sinh, xả thân, cho đi hết tất cả. Sự thao túng con người dưới danh nghĩa Phật pháp của ông Việt đã vô tình biến đạo Phật trở thành một tôn giáo hù doạ, vay trả, thờ thần thờ tiên, độc đoán và lệch lạc nghiêm trọng ra khỏi chánh pháp minh triết của Đức Phật.

 

Nguồn cơn của những phát ngôn sai lệch – Tư duy ‘ăn miếng trả miếng’

 

Năm 62 tuổi, ông Việt chạm đến một đỉnh cao mới: lấy bằng Tiến sĩ Luật học.

 

Đây là một gặt hái đáng hoan nghênh cho tinh thần hiếu học của một người U70. Tuy nhiên, khi phân tích luận án tiến sĩ, kết hợp quan điểm nhiều bài giảng pháp, ta có thể nhìn ra được đặc tính cố hữu của ông Việt – sự ăn chia rạch ròi trong mọi cuộc chơi.

 

Chủ đề luận án tiến sĩ mang tên ‘Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Human Responsibilities in International Law and Vietnamese Law)’ có thể được tóm gọn lại như sau: 

  • Luật pháp quốc tế đang quá đề cao quyền con người (nhân quyền) mà không có sự đòi hỏi về nghĩa vụ;
  • Đề cao quyền con người dẫn đến hệ lụy: ‘đề cao sự thụ hưởng, cũng chính là đề cao lòng ích kỷ, gây nên sự xuống cấp của các giá trị đạo đức trong xã hội‘, gây sự biếng nhác và thui chột trong cách sống của con người;
  • Cần phải khắc phục các hậu quả bằng cách áp dụng ‘Tuyên ngôn Toàn cầu về Nghĩa vụ của con người (Global Declaration of Human Responsibility)”’- do chính tác giả Vương Tấn Việt sáng tác, gồm 31 quy định về nghĩa vụ.

 

Bài viết của tôi sẽ không đào sâu hay phản biện luận án (vì đã có nhiều người làm điều này). Nhưng xin tạm dịch nghĩa “bình dân” hơn cho toàn bộ luận án này là:

“Bánh quy phải trao trước, thì bánh ít mới có mà ăn”

“Phải lao động và cống hiến trước, rồi mới có quyền nghĩ đến chuyện làm người”

 

Không bàn về tính đúng sai của luận án (tôi thấy đây là một công trình đáng học hỏi), mà ta nhìn vào để hiểu rằng: Sự ăn chia sòng phẳng khi diễn tả về phước/ nghiệp không phải là những cơn ‘vạ miệng’ nhất thời. Nó là tư tưởng hằn sâu trong tiềm thức và tính cách của ông Việt.

Có lần, ông Việt được mời thuyết pháp ở một nghĩa trang trong ngày Vu Lan, câu đầu tiên ông nói với quan khách là “Ta được ngồi đây dự lễ thì đằng sau là rất nhiều công sức của ban tổ chức. Giám đốc nghĩa trang phải bỏ ra 500 triệu/ngày để thuê cái mái hiên này che mát cho quý vị”, rồi sau đó ông trình bày các khoản chi tiêu mà ban tổ chức phải chi trả, nhằm kêu gọi người dự lễ đóng góp thêm. (Trích video chủ đề ‘Cõi âm’ kênh Youtube Pháp Quang Sen Hồng- đã bị ẩn đi)

Qua nhiều video như thế này, tôi nghĩ, nếu không làm thầy tu thì ông Việt chắc chắn phải làm một… kế toán trưởng. Không có 1 ngàn đồng nào lọt qua khỏi được mắt ông. Tiền bạc là tiêu điểm trong sự chú ý của ông. Tư duy ‘ăn miếng trả miếng’, sự sòng phẳng là thước đo, là luật chơi để ông vận hành mọi việc.

Tuy nhiên, không phải lúc nào ông Việt cũng ‘fair play’, vì ông còn rất hay… đòi thêm.

Ngoài ‘đòi’ lệ phí cho quyền làm người, pháp thoại của ông Việt còn thường xuyên ‘đòi’ các phật tử phải biết rút ruột cho đi, từ vật chất (cúng nhà đất, cúng ‘tiền lớn’) đến cống hiến sức lực và tinh thần – ông cài cắm vào lời giảng chủ nghĩa dân tộc hùng hồn (kính Phật nghĩa là phải yêu nước), khuyên bảo lớp trẻ không nên tiếc thân mình, dám xả thân phụng sự Phật pháp và Tổ quốc, thậm chí… bỏ mạng khi cần (trích trong bài giảng về chủ nghĩa dân tộc đã bị ẩn đi).

 

Người lớn thì cúng tiền, thanh thiếu niên thì cúng… sức trẻ và sự trung thành.

 

Còn hơn cả tiền bạc hay vật chất, trung thành là 2 chữ đắt đỏ sau cùng mà ông Việt luôn khao khát đến ám ảnh.

 

 

Nỗi ám ảnh của Thích Chân Quang

Sâu bên trong ông Việt luôn có một nỗi sợ bị phản bội.

Tôi không rõ lời đồn đoán về một nhóm đệ tử tố cáo sai phạm và mua chuộc ông Việt bằng rất nhiều tài sản vật chất vào năm 2009 có thật hay không, nhưng chắc chắn tâm lý của ông đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một dữ kiện nào đó trong quá khứ, nỗi ám ảnh lớn đủ để ông viết hẳn ra một cuốn sách mang tên ‘Không phản bội’- nhằm răn đe dạy dỗ các đệ tử không được phản thầy.

Ông Việt có một lần bộc bạch với các đệ tử khi thuyết pháp rằng “Các con có thương thầy không? Luôn có người muốn hại thầy, phá cái đạo tràng này. Các con phải vững tin và đồng lòng, không được bị dụ dỗ”.

Nói là làm, theo cách rất… Chân Quang- ông sửa luôn giới thứ 5 trong 5 giới Quy Y Tam Bảo: Từ “Không tà dâm” thành “Không phản bội

Giấy Quy y tại chùa Phật Quang
Giấy Quy y tại chùa Phật Quang

 

Khi nhìn tấm bằng Quy y này, tôi đặc biệt chú ý tới 2 điều cuối cùng trong Chín điều nguyện:

8. Nguyện tận dạ trung thành, vâng phục tôn sư, đắp nền kỷ luật.

9. Nguyện không tu hành cô độc mà sẽ tham gia tu tập với Đạo tràng cư sĩ tự quán.

Kể cả Đức Phật Gautama Buddha còn chưa bao giờ khuyến khích đệ tử trung thành với ngài hay với bất cứ một tôn giáo nào, mà ông Thích Chân Quang- người tiếp nối Đức Phật- lại tự ý cải biên kinh sách để thao túng và định đoạt tư tưởng của hàng ngàn con người.

Hai động từ ‘tận dạ’ và ‘vâng phục’ trong điều số 8 mang đầy tính chất nô lệ, tôi tớ, phục dịch.

Theo tâm lý học, những kẻ độc tài ái kỷ sẽ buộc phải kết thúc cuộc chơi thao túng chỉ khi nạn nhân phát giác ra mình đang là nạn nhân, và có ý thức giải thoát bản thân. Để tránh ‘sự phản bội’ xảy ra, ông Việt liên tục dạy rằng không trung thành với sư phụ là phạm trọng tội, mất hết phước phần. Và cao tay hơn, để duy trì sự trung thành tuyệt đối từ lớp đệ tử trẻ, ông ứng dụng ‘Tâm lý bầy đàn’ trong điều số 9 – “Nguyện không tu hành cô độc mà sẽ tham gia với đạo tràng”.

 

Tâm lý bầy đàn là hiện tượng khi số lượng đông đảo con người cùng tin tưởng hoặc thực hiện một việc gì đó khiến cho nhiều người khác a dua làm theo. Khi ở trong một tập thể gắn kết, con người sẽ dễ dàng bị đồng hoá, giảm mạnh cái tôi cá nhân, nâng cao nguyên tắc tập thể cho đến khi không còn quan trọng việc mình là ai nữa (tên gọi khác là hiệu ứng bầy cừu – dễ dàng bị chăn dắt)

 

“Bầy cừu ngoan” của sư phụ – Hội CTNPTCP – như một xã hội thu nhỏ với nhiều hoạt động phù hợp cho thanh thiếu niên trẻ. Khỏi phải hỏi vì sao ông Việt nắm trong tay cả một lực lượng hùng hậu sẵn sàng đắp đường, quét rác, dọn vệ sinh, seeding truyền thông, tấn công/ phòng thủ “an ninh mạng” cho chùa và nhiều công tác lao động khác khi cần.

 

Nhiều hơn về ‘Tâm lý bầy đàn’, trong một video phỏng vấn về bài luận văn Tiến sĩ với kênh Youtube báo Pháp Luật, khi được hỏi câu hỏi:

“Thầy thích câu tuyên ngôn nào nhất trong 31 câu Tuyên ngôn Toàn cầu về Nghĩa vụ của con người mà thầy đã viết ra?”

 

Ông Việt trả lời ông thích điều số 30 nhất:

“Tất cả mọi người đều phải có NGHĨA VỤ đi tìm hạnh phúc cho nhau, cùng giúp nhau vượt qua khổ đau khăn khó, vì trên con đường đi đến hạnh phúc này không có kẻ độc hành cô lữ

(trích từ Luận án tiến sĩ)

 

Giải thích cho điều này, ông tin rằng con người rất khó tìm được hạnh phúc khi hoạt động đơn lẻ một mình. Con người cần phải ở trong môi trường tập thể mới có thể phát triển và tìm được hạnh phúc.

Theo tôi đây là một quan điểm một chiều.

Bởi lẽ, con người hoàn toàn có quyền được lựa chọn sống tập thể hay sống tự lập, tách biệt – tuỳ thuộc vào nhu cầu cá nhân. Và không ai có nghĩa vụ làm cho người khác hạnh phúc, không có ai khi sinh ra đã nợ nần ai về mặt tinh thần; hơn nữa, định nghĩa về hạnh phúc của mỗi người là khác nhau – chỉ khi nào mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm đi tìm mục đích sống cho riêng mình mới có thể tìm thấy được hạnh phúc thật sự và chạm được đến bậc phát triển tâm thức cao nhất.

 

Ta có thể thấy, vấn đề Tự do và Nhân quyền – thứ mà cả thế giới phải trải qua lịch sử đau thương hàng nghìn năm để xoá bỏ (chế độ nô lệ ở phương Tây và chế độ phong kiến ở phương Đông) để tìm thấy ánh sáng của Quyền làm người – lại là thứ ông Việt xem nhẹ, như lá rụng mùa thu.

Theo tôi, nếu ông Việt trở thành lãnh tụ của một quốc gia, thì đó sẽ là một đất nước thịnh vượng, chuyên quyền, với chế độ quân chủ độc tài toàn trị.

 

(Bài viết này sẽ tạm bỏ qua những thông tin chưa được xác thực: làm bằng giả, tự xưng là cháu Bác Hồ, đồn thổi về bê bối đời tư như việc sở hữu hàng trăm tỷ cùng nhiều BĐS, nhà, xe; các vụ khởi kiện đã được ém nhẹm; các đoạn ghi âm; những cáo buộc ông lạm dụng tình dục các nữ phật tử và ni cô,…)

 

Đáng tiếc thay cho Thích Chân Quang, đây là một linh hồn thừa “trí” nhưng thiếu “huệ”. Sự nghiệp ăn nói cùng lòng tham vọng lớn đã đưa tên tuổi ông lên cao, và cũng chính nó đã đẩy ông đến cuộc khủng hoảng truyền thông tận mạt nhất cuộc đời. Nếu trí tuệ phi phàm của ông Việt được song hành với trái tim ít tham nghiệt hơn thì có lẽ ông đã không đi lạc đường quá xa như bây giờ.

 

 

3. Công trạng không thể phủ nhận – Cái khó của Thích Chân Quang và Phật giáo Đại thừa

 

Sau một loạt những phân tích kể trên, bạn nghĩ chắc hẳn tôi là một người ghét bỏ ông Thích Chân Quang. Nhưng không, tôi ngược lại còn có nhiều cảm hứng khi phân tích về con người này. 

 

Tôi tự hỏi, ông Thích Chân Quang có đáng bị cộng đồng đấu tố, chì chiết, lên án dữ dội như thế không?

Theo tôi là KHÔNG. Vì nếu không tính lỗi phát ngôn bừa bãi, thì việc TCQ (cùng nhiều thầy tu khác) đang tu sai cách không dừng lại ở chuyện cá nhân nữa, mà nó là kết quả của tầng tầng lớp lớp những nguyên nhân sâu xa trong cách vận hành tổ chức Phật giáo qua nhiều thế hệ.

Nhưng hãy nán lại và nhìn vào một khía cạnh khác trong cách ông TCQ vận hành đạo tràng.

 

Một góc nhìn khác…

 

Giữa tâm bão dư luận, bạn có tự hỏi tại sao có rất nhiều Phật tử trẻ khăng khăng bênh vực bảo vệ sư phụ Thích Chân Quang như trường hợp Angela Phương Trinh, Lê Bê La và hàng ngàn bạn trẻ khác?

Bạn nghĩ vì họ u mê, không có não, vì họ bị dẫn dắt bởi ma đạo, tà lực?

Không phải như vậy.

Đơn giản là vì những cá nhân đó thật sự hưởng được lợi ích và giá trị tốt đẹp từ những đóng góp mà Thích Chân Quang mang lại cho xã hội.

 

Quy mô của hệ thống giáo hội Phật Quang mà ông Việt gầy dựng không hề tầm thường. Chùa hiện đang là mái nhà của hơn 200 tu sĩ, là chỗ dựa tinh thần của hàng chục ngàn thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt cộng đồng và thông qua đó, cống hiến sức trẻ cho đất nước: dọn rác, đắp đường, trồng cây,… Mỗi năm, hàng trăm ngàn người đến ăn chay miễn phí tại chùa, tham gia các hoạt động văn nghệ, tham gia học võ thuật, học tiếng anh miễn phí,…

‘Hội yêu rác’ được sáng lập bởi ông Việt với tình nguyện viên hơn 1000 người thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nhặt rác làm sạch môi trường tại nhiều tỉnh/thành ở Việt Nam. Các hội nhóm đệ tử Phật Quang cũng tổ chức trồng cây gây rừng, đã có hàng ngàn cây xanh được trồng để phủ xanh đồi trọc (riêng năm 2012 là 3000 cây).

Ngoài ra, ông Việt còn mở lớp ‘Tiếng Anh vỡ lòng cho người lớn tuổi’ miễn phí tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước; tại Hà Nội, có 10 lớp dạy tiếng Anh cho người già. Trung bình mỗi lớp có 12-15 học viên, từ 60 tuổi đến gần 90 tuổi.

Hội từ thiện do ông Việt sáng lập đã thực hiện các hoạt động thiện nguyện như xây nhà ở Trường Sa, góp hàng tỷ đồng để chống lũ lụt, xây nhiều nhà tình thương, hỗ trợ chăm sóc các Mẹ Việt Nam anh hùng,… Các hoạt động từ thiện được duy trì đều đặn từ năm 2013 cho đến nay, đã có 307 tỷ đồng được các nhà hảo tâm đóng góp vào quỹ từ thiện, góp phần thực hiện các hoạt động an sinh xã hội cho cộng đồng.

 

Đặt mình vào những đệ tử của Thích Chân Quang, ta sẽ hiểu tại sao họ có thể chống lại cả thế giới để bảo vệ sư phụ.

  • Hãy tưởng tượng cảm giác khi bạn ở trong hố sâu, đau khổ vì cuộc đời, thì có một mái chùa cho bạn nương nhờ, có một cộng đồng lành mạnh cho bạn vực dậy tinh thần.
  • Hãy tưởng tượng cảm giác khi bạn khao khát được cống hiến và tạo nên giá trị cho xã hội, thì có một cộng đồng mở ra cơ hội cho bạn làm những điều ý nghĩa: nhặt rác, trồng cây, làm từ thiện, làm công quả,…
  • Hãy tưởng tượng niềm vui khi bạn sinh hoạt và kết nối với những con người cùng tần số, cùng thế hệ, có thể chia sẻ và gắn kết với nhau như một gia đình.
  • Hãy tưởng tượng niềm vui khi bạn đến một ngôi chùa có sự chuẩn bị bài bản, luôn cho bạn cảm giác được chào đón và trân trọng.

 

Ta thấy rằng, Ông Việt bảo thủ, cực đoan, có phần độc tài, nhưng không thể không thừa nhận, ông sử dụng sự cực đoan của mình vô cùng hiệu quả và đúng việc

Thú vị ở chỗ, ông dám sống phá cách ra khỏi hình ảnh một tu sĩ Phật giáo “hiền như bụt” mà mọi người vẫn đóng khuôn hình tượng: phải hướng nội, hiền từ, tĩnh toạ, ít hoạt động, buông bỏ,… Ông làm ngược lại hoàn toàn. Và thành quả mà ông tạo ra cho xã hội Việt Nam là không hề nhỏ.

 

Quan điểm này đưa tôi đến những câu hỏi lớn:

 

  • Nếu ông Thích Chân Quang “tu đúng”, “tu hiền”, “tu khổ” – loại bỏ hoàn toàn bản ngã, bỏ sự năng động và tham vọng cao, liệu ông có thể tạo nên kỳ tích cho xã hội nhiều như những gì ông đã làm?

 

  • Nếu ông Thích Chân Quang quá từ bi, không biết cách thu hút và tận dụng triệt để nguồn nhân lực của “bầy cừu” mà ông đang sở hữu, liệu chính “bầy cừu” đó có đủ sức tạo ra được giá trị lớn nào cho cuộc đời?

 

  • Nếu ông Thích Chân Quang buông bỏ trần thế, liệu xã hội có nhận được nhiều lợi ích hơn so với việc cứ để ông tiếp tục vùng vẫy và oanh tạc theo cách ông muốn?

 

 

Nhập nhằng đường đời – đường đạo: Cái khó của một người tu hành

 

Xin trích một câu tôi đã ghi ở đầu bài: 

Không ai có thể bước hai hàng trên hai con đường rẽ nhánh mà tới được đích.

 

Nếu nhìn sâu vào cách tu của ông Thích Chân Quang (và của đa số thầy tu hiện nay), ta có thể nhận ra cái bẫy lớn nhất mà một tu sĩ theo phái Đại thừa (Bắc Tông) phải vượt qua là kiểm soát được cái bản năng/ bản ngã của mình ngay trong sự tiện nghi, sự cám dỗ, sự đổi mới của xã hội đang tiến hoá không ngừng. 

Làm sao để giữ được giới luật (có phần hà khắc, không hợp thời) khi các tu sĩ cũng có đầy đủ cấu trúc tâm lý và điều kiện vật chất tương đương một người bình thường: vẫn có cảm xúc, vẫn phải gặp gỡ nhiều người, vẫn phải quản lý tiền bạc và tổ chức đạo tràng, vẫn kết nối wifi, có mạng xã hội, vẫn phải liên tục thu nạp những thông tin hỷ nộ ái ố thường nhật của thế giới xung quanh, vẫn phải lo cơm ăn áo mặc mỗi ngày.

 

Nên, nếu tu không khéo sẽ rơi vào ma trận ‘chân trong chân ngoài’. Sống một cuộc đời nhập nhằng ‘nửa đời nửa đạo’.

 

Có một nghịch lý như sau:

Để làm một người xuất gia tu đắc đạo theo đúng giáo lý Phật (vô ngã, tĩnh tâm) 

Để làm một người có đóng góp vượt bậc về những giá trị hữu hình cho xã hội…

 

… Hai vế này nghe có vẻ bổ sung cho nhau, nhưng thật ra đang đối chọi nhau, nhất là trong trường hợp của ông Thích Chân Quang: 

 

  • Tĩnh tâm được không khi bạn có những KPI vô hình rằng chùa của bạn phải xây dựng điều A điều B, phải tổ chức được bao nhiêu chương trình mỗi năm, phải đạt được bao nhiêu lượt viếng thăm mỗi tháng, phải làm hài lòng nhiều bên cùng một lúc như thế nào (chính quyền, các tín đồ phật tử, các nhà hảo tâm, các đệ tử và cả dân cư mạng)
  • Tĩnh tâm được không khi bạn luôn lo nghĩ làm sao để có đủ kinh phí hoạt động, làm sao để phục vụ tốt cho hàng chục ngàn người tham gia trong đại lễ sắp tới mà không xảy ra sự cố?
  • Vô ngã được không khi dưới bạn là hàng ngàn con người đang cần được giải quyết các vấn đề về quản trị, nhân sự, tài chính, truyền thông, sự kiện, cộng đồng… chưa kể giải quyết cả những xích mích, đấu đá, chia rẽ nội bộ…?
  • Vô ngã được không khi trong lòng bạn luôn đau đáu những kế hoạch, mưu lược, cả những nỗi sợ về sự hưng vượng lâu dài cho đạo tràng?

 

Và để mang lại thành tựu cao nhất trong khả năng vốn có, ông Thích Chân Quang đã nghiêng hẳn về hướng làm một nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp, hơn là một tu sĩ Phật giáo.

 

Khác với các nhà sư phái Nam Tông khất sĩ như sư Minh Tuệ – những người dứt bỏ hoàn toàn vật chất, cắt đứt mọi nhân duyên, hạn chế tiếp xúc với con người, đi ngược lại với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và xã hội hiện đại, chấp nhận sống như… người trung cổ để đoạn diệt đời sống phàm tục, thì các tu sĩ phái Bắc Tông đang ‘chăn ấm nệm êm’ cũng có nhiều nỗi trăn trở phải lo nghĩ hơn cả. 

Có người sẽ lo về ngân sách của chùa, lo chùa không ai viếng thăm, lo làm sao để không bị lãng quên, lo tổ chức các hoạt động để phát triển chùa; người sâu sắc hơn thì lo cho nội lực tu hành của mình, làm sao để “vượt sướng”, làm sao diệt được tham-sân-si-dục giữa cuộc sống nhiều tiện nghi, cám dỗ.

 

Và trong năm 2024, họ phải gánh thêm một nỗi lo nữa- nỗi lo bị soi xét, dị nghị, phân biệt của người đời- khi xã hội đang có xu hướng cho rằng tu theo Hạnh đầu đà mới là tu đúng, xem nhẹ lối tu trung đạo (còn nhiều khuyết điểm) của phái Đại thừa. 

 

Vậy đã theo Phật thì phải tu như thế nào mới là phải đạo?

 

Lời giải đáp có trong PHẦN II: TU THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ ĐÚNG? LÀM SAO TÌM ĐƯỢC NIẾT BÀN? (Coming soon)

 

 

 

Tháng 7, 2024

Trần Khánh Vy

 

 

 

————————————————

 

Tổng hợp nguồn tư liệu:

Wikipedia: Link

Các hoạt động xã hội: Link 1, Link 2  

Luận án tiến sĩ: Link

Hy sinh vì tổ quốc (Tổ quốc là trên hết): Link

Không phản bội: Link

Tổng hợp đơn tố cáo: Link

Trồng cây gây rừng: Link

Lớp tiếng anh cho người lớn tuổi: Link

 

 

3 Responses

  1. Có quan điểm cho rằng, thế giới này có 3000 đại đạo. Vậy Đạo là gì? Phật Đạo, Khổng Tử Đạo, Lão Tử Đạo, suy cho cùng cũng chỉ là một con đường do người đi trước vạch ra mà thôi. Đạo, suy cho cùng chẳng phải cũng chỉ là một con đường thôi sao? Tu hành, chẳng phải là đi trên con đường của mình để chứng quả đạt đạo sao? Đi đường người khác đã vạch cũng là tu, tự mình đi đường của mình cũng là tu, vậy đâu cần phải câu nệ nhỉ? Thế nào cũng được, miễn là chứng được đạo quả, chẳng phải sẽ đắc đạo hay sao?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More of Vy