Personal blog by Khánh Vy
Photo by Mustafa Yasser on Unsplash
Tôi nhiều lần đi ngang một kệ sách Triết học trong hiệu sách to to ở trung tâm Sài Gòn. Mỗi lần như thế, ánh mắt tôi lướt qua hàng trăm gáy sách, nhưng chưa từng dừng lại những cuốn sách Triết.
Tựa như trong một bản nhạc, có những nốt lặng được viết ra nhưng ta chẳng bao giờ nghe thấy – vì tôi chưa đủ để lắng nghe.
Rồi một ngày, tôi chợt thấy. Không phải vì cuốn sách thay đổi, mà vì tôi đã khác.
Table of Contents
1. Những gì ta thấy không đồng nghĩa với những gì hiện hữu
Chúng ta vẫn thường tự tin rằng đôi mắt là công cụ trung thành nhất của nhận thức. Nhưng thật ra, mắt chỉ là cửa sổ. Những gì được nhìn thấy hoàn toàn bị lọc qua một lớp màn – một lớp vô hình gồm ký ức, định kiến, dục vọng, sợ hãi và cả nghiệp quả của chúng ta.
Chúng ta không nhìn sự vật như bản chất của chúng. Chúng ta nhìn sự vật như chính mình.
Như một chiếc gương cũ, lấm tấm dấu thời gian – ta chỉ phản chiếu được điều ta đã từng mang trong tâm.
Vì thế, dù sống giữa một xã hội văn minh, giữa thư viện, trường học, internet – nơi thông tin và trí tuệ dư thừa – vẫn có những người không thấy, không hiểu, không thể nào chạm được đến.
Không phải vì thế giới không có ánh sáng, mà vì đôi mắt họ phủ đầy bóng tối.
Bài viết này được hình thành trong tâm trí khi tôi xem một short video rất chi là không-liên-quan đến Triết học, video nói về bộ tộc người Sentinel trên đảo Bắc Sentinel.
Đây là một hòn đảo chỉ cách đất liền Ấn Độ khoảng 1200km, nhưng có một bộ tộc nguyên thuỷ sống tại đó, giữa thời đại AI 4.0. Dân trên đảo sống bằng cách săn bắn, hái lượm như người vượn cổ xưa. Họ hầu như không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, và họ không chấp nhận sự ảnh hưởng của bất kỳ nền văn minh hiện đại nào xuất hiện trên hòn đảo của họ. Và tất cả các lữ khách đến đảo khám phá đều bỏ mạng tại đó.
2. Ta chỉ thấy điều ta được phép thấy – hoặc điều ta chọn để thấy
Trong Phật giáo có khái niệm “duyên khởi”. Mọi thứ hiện hữu với ta không phải do ngẫu nhiên, mà do nhân – duyên – nghiệp – và cả mức độ tỉnh thức của ta.
Cũng giống như bộ tộc Sentinel, cùng sống vào năm 2025 nhưng tụt hậu hơn chúng ta hàng triệu năm, nền văn minh khoa học phát triển như vũ bão cũng không thể lọt nổi vào một hòn đảo cách chúng ta chỉ vài trăm hải lý.
Một người có thể sống cả đời với sách khoa học và chưa từng chạm vào một cuốn thơ. Không phải vì thơ không có mặt, mà vì tâm thức của người đó chưa mở ra chiều không gian đó cho thực tại của họ.
Người nghiện ngập có thể nằm giữa một xã hội an lành, nhưng không hề thấy ánh sáng cứu rỗi – vì vô thức họ đã bị cài đặt để chỉ nhìn thấy đêm đen.
Thật ra, ta được dẫn dắt để sống một thực tại nhất định.
Và thực tại không chỉ có một, mà là vô số lớp chồng lên nhau, mỗi người chúng ta đang chồng lên nó một lớp của riêng ta.
Thế nên, từ việc nhìn thấy cuốn sách Triết học đến việc lĩnh hội được kiến thức, cũng có thể trải qua vô lượng kiếp.
3. Vạn vật hiện diện – nhưng không ai thấy tất cả
Ta sống cạnh một người uyên bác, nghe họ giảng giải, nhưng vẫn không hiểu. Vì tri thức không truyền qua không khí. Nó chỉ đi vào khi người nhận đồng dao động với tần số đó.
Thầy Thích Nhất Hạnh cũng có viết trong cuốn Không sinh không diệt, đừng sợ hãi: Bản nhạc (ngụ ý ánh sáng, chân lý, sự tỉnh thức) luôn đang phát, luôn hiện hữu. Và ta như chiếc radio – chỉ đúng tần số mới có thể bắt sóng để bản nhạc được phát lên. Còn không, tất cả chỉ là im lặng.
Tri thức không đến với ta bằng sự cưỡng ép. Tri thức chỉ đến khi ta khao khát nó, khi linh hồn ta đủ rỗng để tiếp nhận, đủ sâu để chứa đựng, và đủ mạnh để chịu đựng được ánh sáng của nó.
Như ai đó từng nói: “Khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện.” Không sớm hơn.
Bàn sâu hơn về vấn đề này, tôi từng nghe một video giảng Triết rất hay của Giáo sư Dương Ngọc Dũng (tại link) nói về vấn đề Hiện Tượng Luận Phật Giáo.
Trong 8 thức của Phật giáo, A-lại-gia thức là tầng sâu nhất của ý thức chúng ta. Nó chính là tiềm thức (hay tàng thức), chịu trách nhiệm lưu trữ tất cả những kinh nghiệm và ấn tượng của chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp.
Thức này tích luỹ toàn bộ hạt giống tư duy và nghiệp của chúng ta qua hàng triệu kiếp sống, kể cả những hạt giống thanh sạch lẫn không thanh sạch. Khi gặp điều kiện khách quan đủ nhân duyên trong một kiếp nào đó, những hạt giống đó trổ quả và biến thành thực tại.
Theo Khuy Cơ, với những người có tích luỹ nhiều hạt giống độc, không sạch trong quá khứ có xu hướng nhận lại thực tại tàn nhẫn rất cao.
Ví như trong một kiếp ta là giang hồ đâm chém, kiếp sau dù đang chỉ mới là một đứa nhỏ 6 tuổi, môi trường và điều kiện xung quanh ta đều như “trải thảm đỏ” cho ta đến với thế giới giang hồ, ta xa lạ với đèn sách, trường học, nhưng lại thấy dao, mã tấu… thân quen lạ thường.
Đó là hạt giống có sẵn trong tàng thức.
4. Có phải ta đang sống trong điểm mù của chính mình?
Vũ trụ không giấu ta điều gì. Nhưng chính tâm thức ta tự khép cửa. Chúng ta không thể nhìn thấy vạn vật như nó là – vì như Krishnamurti nói – “Người quan sát chính là điều được quan sát.” Mỗi người bị kẹt trong chính cấu trúc tâm trí của mình.
Chúng ta chỉ chọn thấy những gì phục vụ cho bản ngã, cho mục đích ta đang sống. Những gì khác nó nó – bị lu mờ đi.
Cũng như con người đã đi qua hàng ngàn cơ hội thức tỉnh mà không hề hay biết.
Cũng như tôi, đi qua kệ sách Triết hàng chục lần nhưng không hề thấy nó.
5. Mở mắt – không phải là việc của mắt
Có một thời điểm, tôi bắt đầu thấy những điều trước đó chưa từng hiện ra.
Cũng những con người đó, những cuốn sách đó, những con phố đó – nhưng tôi thấy chúng khác. Vì tôi đã khác. Vì năng lượng tôi, vô thức tôi, tần số tôi đã đổi thay.
Sự thức tỉnh không đến từ bên ngoài. Nó đến khi thế giới nội tâm của ta thay đổi.
Khi tâm đủ sâu, mắt mới thấy.
Khi lòng đủ rộng, thực tại mới mở ra.
“Thực tại không phải là điều xảy ra.
Thực tại là điều bạn sẵn sàng nhìn nhận.”
March 3, 2025
Khánh Vy Trần
-Tên tôi là Vy Trần, đọc cũng như Vi Trần. Trong nhiều câu kinh Phật, “hoá vi trần” nghĩa là hoá thành cát bụi.
Tôi là một hạt vi trần, thích quan sát toàn thể hạt bụi trong vũ khúc của kiếp nhân sinh.
4 Responses
Bài viết quá là đồng quan điểm với c H nề Vy ưi.
Có câu nói đơn giản mà rất sâu sắc “nhìn vậy thôi chứ ko phải vậy đâu”. Thì bài viết này dường như phân tích rất cặn kẽ câu nói trên 1 cách đầy trí tuệ kết hợp giữa khoa học thực tế và tâm linh bí ẩn. Bài viết đạt điểm 10 cho chất lượng kkkk.
Bài viết hay, đọc xong vẫn chưa hiểu gì, chỉ hiểu đơn giản những gì chúng ta nhận thức về thế giới không phải là sự thật khách quan mà là một phiên bản đã được lọc qua lăng kính của chính chúng ta, bao gồm tiềm thức, kinh nghiệm, định kiến, và ý thức cá nhân. Theo em, làm sao mỗi cá nhân có thể thay đổi nội tâm cần thiết từ đó chuyển biến nhận thức và định kiến?
Hay quá, sẽ đọc lại nhiều lần.
Cảm ơn bạn Kiệt hihi 😀