Share this article on

Cái Sướng Của Sự Đau Khổ

Hạnh Phúc – một chủ thể nghe thật đơn giản nhưng lại trở thành tiêu chuẩn sống tối thượng trong xã hội hiện đại. Cả thế giới chạy theo sự Hạnh Phúc, ca ngợi nó, và biến nó thành thước đo thành công trong cuộc sống. Hằng ngày, trên mạng xã hội, ta bị bao phủ bởi những hình ảnh lung linh, những câu chuyện thành công đầy hào nhoáng. Nhưng đằng sau ánh sáng ấy, có lẽ chúng ta hay không thích nhắc đến một chủ thể khác – là chị em song sinh của Hạnh Phúc, đang kề cạnh và hiện diện mật thiết trong từng khẽ sống, trong từng manh nha đời – Sự Đau Khổ.

Người ta thường nói: “Hãy vui lên! Đừng buồn làm gì!” như thể việc đau khổ là một điều cấm kỵ, một biểu hiện của thất bại. Nỗi buồn, sự yếu đuối, và những lần vấp ngã bị che giấu đi, không chỉ bởi cá nhân mà còn bởi một xã hội luôn khao khát sự hoàn hảo.

Triết gia Alain de Botton đã từng nói trong cuốn “The Architecture of Happiness”:

“Chúng ta sống trong một xã hội mà nỗi đau không được phép xuất hiện, vì nó làm xáo trộn bức tranh hài hòa mà ta cố xây dựng về bản thân.”

Bài viết này tôi dành riêng cho người con gái đẹp mang tên Đau Khổ. Là một trong những loại cảm xúc mĩ miều mà tôi không ghét bỏ. Em là một phần của tôi, hoặc, em chính là tôi trong nhiều thời điểm. 

Một người nhạc sĩ tài năng mà tôi thích, Tiên Cookie, đã viết một bài hát có lẽ phù hợp với chủ đề này – Thưởng Thức Nỗi Buồn. Tiên cũng tận hưởng cô gái mang tên Nỗi Buồn một cách thật nâng niu. 

Nhạc cho bài viết này: https://youtu.be/yYu-_DXYQzU?si=wWDS0jvOKOZYcD4x

“Ngắm em ngắm như trăng rằm

Uống em uống như rượu ngon

Giấu em giấu như kho báu”

Thật Ra, Chúng Ta Muốn Khổ

Tôi có một người bạn, biết rõ rằng yêu một người là sẽ đau khổ nhưng vẫn đâm đầu vào mà yêu lấy yêu để. Hoặc chúng ta được cảnh báo hôn nhân là nấm mồ của tình yêu, nhưng vẫn khao khát được bước vào nó.

Một người bạn khởi nghiệp, biết startup là phải lên bờ xuống ruộng, nhưng vẫn từ bỏ công việc ổn định thu nhập cao để dấn thân.

Người ta thường nói về những vị tỷ phú, có tất cả trong tay rồi lại từ bỏ để làm một người bình thường, để tìm kiếm điều gì đó sâu xa hơn, họ lao vào khổ để cảm thấy đang sống nhiều hơn.

Thật ra, tất cả chúng ta đều không hề muốn sống một cuộc đời hoàn toàn bình yên.

Trong cuốn “Man’s Search for Meaning” của Viktor Frankl, ông viết rằng:

“Con người không thực sự tìm kiếm hạnh phúc. Thứ họ cần là ý nghĩa.”
Ý nghĩa đó thường nằm trong đau khổ, trong những nỗ lực để vượt qua chính mình.

Nếu hạnh phúc là một trạng thái tĩnh, thì đau khổ chính là động lực thúc đẩy sự thay đổi. Khi một người trải qua nỗi đau, họ buộc phải đặt câu hỏi: “Tại sao lại là tôi?” “Cuộc đời này có ý nghĩa gì?” Và chính trong hành trình đi tìm câu trả lời, con người khám phá ra sức mạnh nội tại của mình.

Có lẽ vì vậy, đau khổ, dẫu không ai mong muốn, lại trở thành nơi khởi đầu của những giá trị sâu sắc nhất trong cuộc đời.

Như Đức Phật từng dạy: “Đừng sợ đau khổ. Đau khổ là con đường dẫn đến chân lý.”

“Art never comes from Happiness” 

Nghệ thuật không bao giờ đến từ Hạnh Phúc” – Đây một câu nói đầy sức nặng, thường được gán cho nghệ sĩ Edvard Munch, tác giả của kiệt tác The Scream. Bởi lẽ, những kiệt tác nghệ thuật để đời, đều sinh ra từ những tâm hồn chứa đầy nỗi đau. 

Như The Starry Night của Vincent van Gogh được tạo ra khi ông đang trong viện tâm thần, đối diện với sự cô đơn và bất ổn. Hay những giai điệu bi thương của Beethoven trong Moonlight Sonata, được viết giữa những trận chiến với nỗi đau mất đi thính giác.

Nghệ thuật, từ hội họa, âm nhạc, đến văn học, thường sinh ra từ những cuộc đấu tranh nội tâm. Bởi lẽ, trong những khoảnh khắc đau khổ, con người trở nên chân thật nhất, cảm xúc của họ được đẩy đến cực hạn. Nỗi buồn, mất mát, sự cô đơn cùng cực – đều mang trong mình sức sáng tạo mà hạnh phúc đơn thuần không thể nào sánh kịp.

Nhưng nỗi đau là cầu nối giữa người với người, thông qua nghệ thuật, giúp chữa lành mọi vết thương

Như Leonard Cohen, người đã viết những bản nhạc buồn nhưng đầy hy vọng, từng viết rằng:

“Có một vết nứt trong mọi thứ, đó là cách ánh sáng lọt vào.”

 

Không có Đau Khổ thì Hạnh Phúc cũng trở nên tầm thường.

Ta đau khổ khi thất bại, khi mất đi người mình yêu thương, khi đối mặt với những thử thách vượt quá khả năng. Nhưng chính sự khổ ấy giúp ta trưởng thành. Nếu cuộc sống chỉ toàn những ngày tháng yên bình, ta sẽ không bao giờ hiểu được giá trị của một ngày nắng đẹp sau cơn mưa.

Như một hạt giống, trước khi nó có thể mọc lên thành cây, nó phải chịu đựng bóng tối của lòng đất, phải nứt vỏ và chịu sự giày vò của những điều kiện khắc nghiệt đến thế nào.

Vì vậy, càng đào sâu vào nỗi đau, ta sẽ càng có nhiều không gian để chứa đựng hạnh phúc.

Đời Là Quân Bình

Cuộc đời, dù ở đỉnh cao hay vực sâu, đều luôn giữ cho mọi thứ quân bình. Khi bạn huy hoàng nhất, sự rủi ro vẫn chực chờ đằng sau những nụ cười. Khi bạn thất bại nhất, ánh sáng vẫn chờ bạn nơi cuối con đường.

Hãy nhìn vào thiên nhiên để thấy sự quân bình kỳ diệu. Mặt trời mọc và lặn mỗi ngày, mùa hè khô hạn rồi mùa mưa tưới tắm đất đai. Nước bốc hơi thành mây, rồi lại rơi xuống thành mưa, tuần hoàn không bao giờ ngừng.

Cụ Nguyễn Duy Cần từng dạy:

“Muốn sống hạnh phúc, hãy học cách sống theo tự nhiên, như dòng nước chảy. Đừng chống lại sự quân bình, hãy hòa vào nó.”

Cuộc sống là một vòng tròn lớn, nơi mọi thứ đều tìm về điểm cân bằng. Khi ta chấp nhận và ôm lấy nỗi buồn, ta mở ra cánh cửa để thấu hiểu những khía cạnh phức tạp của cuộc sống – nơi niềm vui và nỗi khổ không thể tách rời.

Không cần phải chống cự hay tránh né – việc ôm ấp nỗi đau là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển tâm thức của mỗi con người.

Và người trưởng thành là người biết cách biến nỗi đau thành chất liệu để sống một cuộc đời đáng giá.

 

Jan 2025

Khánh Vy 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More of Vy